2022.08.17

Hãy cùng tìm hiểu về BIAS – Định Kiến trong HUMAN SKILLS

BIAS trong Human Skill 1

Khi gia nhập vào công ty MarketEnterprise Việt Nam (MEVN), mình đã được training và rèn luyện với key word BIAS – Định Kiến. Chúng mình cùng tìm hiểu BIAS trong Human Skills là gì? Và được ứng dụng thế nào trong MEVN nhé.

BIAS – Định kiến là gì trong Human Skills

BIAS hay còn gọi là định kiến là những sự giả định hoặc niềm tin dựa trên sự ưa thích hay ý kiến có tính phi logic làm sai lệch khả năng đưa ra quyết định dựa trên sự thật và bằng chứng. Đây là một nhược điểm độc đáo của con người, là một xu hướng bỏ qua bất kì bằng chứng nào không phù hợp với giả định trong định kiến của họ.

Nói dễ hiểu hơn, định kiến được hiểu là những ý kiến, quan điểm về một sự vật nào đó được hình thành trước khi có đủ thông tin – dữ kiện để đánh giá nó. Chúng ảnh hưởng mạnh mẽ lên cách chúng ta cư xử và đưa ra quyết định, đặc biệt chúng sẽ khiến chúng ta đánh giá sai sự thật và từ đó đưa ra nhiều lựa chọn sai lầm.

Các loại BIAS thường gặp

Các nhà tâm lí học đã xác định được hơn một chục loại định kiến và bất kì hoặc tất cả trong số chúng đều có thể che mờ óc phán đoán của con người. Một số loại định kiến trong Human Skills như sau:

Anchoring – Định kiến mỏ neo

Điều đầu tiên bạn đánh giá sẽ ảnh hưởng đến phán đoán của bạn tới những thứ tiếp theo. Tâm trí chúng ta có tính liên kết các sự việc hiện tượng một cách tự nhiên, vì vậy thứ tự các thông tin chúng ta nhận được sẽ giúp xác định các tiến trình đánh giá còn lại.

Trong cuộc sống, nó thường nằm trong các lĩnh vực mua bán tài chính như nhà cửa, xe hơi hoặc mức lương.

The sunk cost fallacy – Định kiến chi phí chìm

Chúng ta quá tiếc nuối những thứ chúng ta đã trả giá để đạt được. Giống như mẹ mình, mỗi khi bà đi du lịch lại mua khá nhiều đồ lưu niệm mang về, một thời gian sau chính bà cũng nhận thấy chúng vô ích nhưng không dám vứt. Dù mình có than trách nhà cửa nhiều đồ đạc thì bà cũng chỉ đành nhét hết vào phòng rồi chịu đựng sống với chúng.

Trong cuộc sống, nhận thức được điều này sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định dễ hơn khi đang phải chịu đựng một thứ gì đó.

The availability heuristic – Định kiến về sự có sẵn

Chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao những thông tin sẵn có trước đó. Giống như gần đây nhất, khi mà mạng xã hội và báo đài liên tục đưa tin về dịch cúm khiến cho tất cả chúng ta hoang mang và sợ hãi. Cảm giác như tận thế tới nơi rồi, ra siêu thị hốt hết nhu yếu phẩm trong khi cái chúng ta thật sự cần chỉ là tăng sức đề kháng, thường xuyên rửa tay và tránh xa chỗ đông người.

Trong cuộc sống, hãy cố gắng thu thập và lắng nghe thông tin trái chiều từ nhiều phía thay vì ngay lập tức tin vào thông tin thứ nhất mình biết.

The curse of knowledge – Lời nguyền của kiến thức

Khi bạn hiểu một cái gì đó, bạn cho rằng mọi người cũng vậy. Viết tới đây, mình lại thấy đây là cái định kiến mà đôi khi mình cũng từng gặp phải. Mình giải thích các nghiệp vụ trong công việc mình từng có kinh nhiệm, kiến thức một cách qua loa; nhưng lại cho rằng “những cái đấy là hiển nhiên ai cũng biết”.

Chúng ta hãy nhớ rằng khi giải thích một điều gì đó cho người khác hãy chậm lại và giải thích như họ chỉ mới mười tuổi. Lặp lại các trọng điểm và thực hành để hiểu sâu hơn kiến thức đó.

Confirmation bias – Thiên kiến xác nhận

Thứ bạn ủng hộ sẽ xác nhận niềm tin của bạn. Khi chúng ta ủng hộ một điều gì đó, chúng ta sẽ có xu hướng chỉ chấp nhận những thông tin phù hợp và bỏ qua những thông tin mâu thuẫn với niềm tin này.

Một phương pháp phổ biến nhằm kêu gọi sự ủng hộ từ người dùng là “Cá nhân hóa”, mục tiêu của nó là khiến cho người dùng cảm thấy thân thuộc và thích thú khi được coi trọng. Từ đó dễ chinh phục họ hơn.

BIAS trong Human Skill

The Dunning Kruger effect – Hiệu ứng Dunning Kruger

Càng biết nhiều, càng ít tự tin. Đây là hiệu ứng khá phổ biến trong công việc ngày nay, nói về việc khi một người bắt đầu hiểu biết ở một lĩnh vực nào đấy, họ sẽ có xu hướng đánh giá cao năng lực, kỹ năng của họ – cho đến khi họ làm nhiều hơn, có được nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn. Khi đó, họ mới hiểu mình chả là gì cả.

Belief bias – Niềm tin thiên vị

Nếu có một kết luận ủng hộ niềm tin của bạn, bạn sẽ tìm đủ mọi cách để hợp lý hóa kết luận đó. Bạn tin là mình đẹp trai, sếp bạn cũng khen bạn đẹp trai, thì khi nói chuyện với đồng nghiệp bạn sẽ khen sếp thật có con mắt thẩm mỹ. (Mặc dù lão ta toàn chọn những lựa chọn xấu quắc).

Đừng để niềm tin làm mờ mắt, khiến cho chúng ta không thể phân biệt được đúng sai. Chúng ta tin vào đồng nghiệp, nhưng phải thấy được năng lực của họ tới đâu để giao trọng trách xứng tầm.

Self-serving bias – Định kiến tự phục vụ

Khi chúng ta gặp khó khăn chúng ta sẽ có xu hướng đổ lỗi tại hoàn cảnh, còn khi được hưởng những quyền lợi thì lại cho rằng mình xứng đáng được điều đó.

Hãy lợi dụng điều này khi hướng dẫn người dùng hoàn thành một nhiệm vụ, chúc mừng họ và khiến họ thấy rằng vì họ giỏi giang nên mới có thể thành công. Điều này sẽ tạo động lực để họ tiếp tục cố gắng. Còn đối với cuộc sống, hãy giữ cho mình sự khiêm tốn để vượt qua được định kiến này.

BIAS – Định kiến trong Human Skills ở MEVN chúng mình

Ở MEVN, chúng mình nhận định rằng BIAS – Định kiến không thể tự mất đi và chúng mình cũng không thể nào làm nó biến mất được. Chỉ có thể vượt qua nó bằng cách đặt lại tư duy theo hướng logic – Logic Thinking và tư duy phản biện – Critical thinking để đánh giá, nhìn nhận vấn đề. 

Nói cách khác, chúng mình đặt lại vấn đề và phân tích vấn đề theo các hướng nhìn là: thực hiện và không thực hiện. Khi thực hiện một việc gì đó nên phân tích điều có thể đạt được và không đạt được. Như vậy sẽ nhìn nhận, phán đoán và thực hiện vấn đề đó theo một hướng nhìn chung và không bị BIAS chi phối. 

Mọi người trong Team cùng nhau trao đổi, thảo luận, góp ý để góp phần cho từng cá nhân nhận ra được những BIAS bị thiên lệch. Từ đó hòa nhập vào suy nghĩ, mục tiêu chung của team và toàn bộ công ty.

Hãy rèn luyện BIAS – Định kiến trong Human Skills để có thể nhận định, phân tích, phán đoán cách chính xác các vấn đề xảy xa xung quanh. Sau đó đưa ra các phương pháp giải quyết một cách tối ưu nhất mà không bị ảnh hưởng bởi các BIAS cá nhân để cùng nhau phát triển bản thân, phát triển công ty và xã hội.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments