2024.10.07

Ứng dụng “Bảy thói quen hiệu quả” trong công việc

“Bảy thói quen hiệu quả” là một cuốn sách nổi tiếng, có thể được liệt kê vào hàng kinh điển của dòng sách kinh doanh và phát triển bản thân, do tác giả người Mỹ Stepen R.Covey chấp bút. Sách được phát hành lần đầu tiên vào năm 1989, và từ đó đã được chuyển ngữ sang rất nhiều các ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt.

“Bảy thói quen hiệu quả” và văn hoá tại MEVN 

Tại MEVN, ngay từ khi chân ướt chân ráo bước vào công ty, món quà đầu tiên mà bất cứ nhân viên nào cũng được nhận từ anh CEO chính là sách. Một trong số đó là cuốn “Bảy thói quen hiệu quả” này. 

Nội dung trong cuốn sách tuy nhìn trông đơn giản nhưng lại thâm sâu khó lường. Nhiều người trong chúng mình còn nói với nhau rằng đọc không hiểu hết được, nhưng trong lòng ai cũng đều rất quyết tâm đọc hiểu thực hành để có thể làm việc với hiệu quả cao nhất, cống hiến được cho công ty, cho xã hội nhiều nhất. 

Trong quá trình tự mình đào luyện, giúp đỡ lẫn nhau học tập và làm việc đấy, MEVN chúng mình đã có rất nhiếu những workshop, seminar về nhiều chủ đề liên quan tới “Bảy thói quen hiệu quả”, ví dụ như chùm bài viết về Teamwork Skills – một kỹ năng không thể thiếu nằm trong thói quen 6 “Đồng tâm hiệp lực”. 

Trong bài viết lần này, thay vì nhắc lại nội dung của “Bảy thói quen”, các bạn hãy cùng mình nhìn lại những ý chính của “Bảy thói quen” sau quá trình chúng mình cùng nhau đào luyện để tự mình rút ra những chiêm nghiệm cho riêng mình nhé. 

 

“Bảy thói quen hiệu quả” gồm những thói quen nào? 

“Bảy thói quen hiệu quả”, theo tác giả Stephen R. Covey, gồm có: 

  1. Thói quen 1: Sống kiến tạo (Luôn chủ động)
  2. Thói quen 2: Bắt đầu bằng đích đến 
  3. Thói quen 3: Ưu tiên điều quan trọng 
  4. Thói quen 4: Tư duy Win-Win 
  5. Thói quen 5: Lắng nghe và thấu hiểu 
  6. Thói quen 6: Đồng tâm hiệp lực 
  7. Thói quen 7: Rèn giũa bản thân 

 

Theo bạn, trong bảy thói quen này, thói quen nào là quan trọng nhất? 

Khi được hỏi câu này, anh Tiến CEO của chúng mình từng trả lời rằng theo anh ấy, thói quen 1 “Sống kiến tạo (Luôn chủ động)” là thói quen quan trọng nhất, và mình cũng đồng ý với ý kiến này. 

Thói quen 1 “Sống kiến tạo” là thói quen bản lề, thay đổi từ tư duy gốc rễ bên trong bạn. Nếu không có nó, tất cả những thói quen còn lại đều mất đi quá nửa hiệu lực. Thói quen này chủ trương rằng: “những gì xảy đến với mình hôm nay, chính là kết quả của sự chọn lựa trong quá khứ”. Hay nói cách khác, bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm cho bất cứ tình huống nào bạn gặp phải ở hiện tại.

Thời đại này hầu như bất cứ ai cũng đều được yêu cầu tính chủ động này trong công việc. Nhưng làm sao để phát huy được tính chủ động? 

Về yếu tố tối quan trọng để xây dựng “Bảy thói quen” một cách hiệu quả 

Theo tác giả Stephen R. Covey, người chủ động là người khởi xướng thay đổi, và họ thực hiện điều đó bằng cách phát triển và sử dụng bốn khả năng thiên phú của con người: “nhận thức bản thân”, “lương tâm”, “trí tưởng tượng” và “ý chí độc lập”. Nói một cách khác, họ tự “nhận thức bản thân” để hiểu được chính mình đang ở đâu trên hành trình, trong tư duy và hành động còn thiếu điều gì để đạt đến mục tiêu, sau đó dùng “trí tưởng tượng” và “lương tâm” để điều hướng bản kế hoạch cuộc đời, cuối cùng là áp dụng “ý chí độc lập” để cổ vũ bản thân và kiên trì theo đuổi mục tiêu đề ra. 

Nếu nói rằng thói quen “sống kiến tạo” là thói quen quan trọng nhất, thì yếu tố tối quan trọng để hiện thực hoá thói quen này, theo mình chính là khả năng “tự nhận thức”. 

Chỉ khi có sự “tự nhận thức” và “tự nhận thức liên tục”, khi đó thói quen mới có thể hình thành. 

Một trong những best practice (cách thực hành tốt nhất) là áp dụng chính quy trình của Lean Startup vào công việc cá nhân, cụ thể là vòng lặp học hỏi Build – Measure – Learn (Xây dựng – Đo lường – Học hỏi) mà MEVN chúng mình liên tục có những buổi seminar và workshop để ôn tập và thực hành. 

Nhận lãnh trách nhiệm về hành vi của mình, không đổ lỗi, chấp nhận và bước tiếp, đó là tính chủ động. Vì bạn là người cầm lái cuộc đời của chính mình. 

 

Kết luận 

Nếu hướng tới thành công, điều quan trọng nhất là trước tiên phải xây dựng được nhân cách, là nền tảng để hỗ trợ cho thành công đó. 

“Sống kiến tạo” là thói quen đầu tiên cần tạo dựng để xây dựng nhân cách, và yếu tố quan trọng nhất để hiện thực hoá “sống kiến tạo” chính là sự “tự nhận thức” thông qua cách thực hành “Xây dựng – Đo lường – Học hỏi”. 

Có “thành công cá nhân” khi bản thân đạt được sự độc lập và trưởng thành. Cũng có “thành công tập thể” khi các cá nhân độc lập phụ thuộc lẫn nhau một cách lành mạnh và đạt được nhiều hơn những gì họ có thể làm riêng lẻ. 

Đây chẳng phải là mục tiêu, là đích đến, cũng là lý tưởng của tinh thần Agile hay sao, bạn có nghĩ như vậy không? 

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments