2020.03.16
Giới thiệu sách “7 thói quen hiệu quả”
“Làm thế nào để thành công?”
“Làm thế nào để mang lại hiệu quả cao?”.
Mình nghĩ đây là những câu hỏi mà bất kỳ người nào cũng luôn ấp ủ trong lòng. Số người có cùng câu hỏi thì nhiều, nhưng số ít người tìm cho mình được câu trả lời để giúp bản thân thành công.
Sau khi gia nhập vào công ty MarketEnterprise Vietnam, mình và các đồng nghiệp khác được đào tạo về tư duy, về cách làm việc như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. Người trực tiếp giảng dạy cho chúng mình là bác Maruo – CTO tại MarketEnterprise Japan, kiêm nhiệm vai trò CEO tại MarketEnterprise Vietnam.
Chúng mình được bác tặng 2 quyển sách: “7 thói quen hiệu quả” và “The lean start up”. Khi đọc xong 2 quyển này chúng mình “Ngộ” ra rất nhiều điều. Để thành công, đồng nghĩa với việc đạt được hiệu quả cao, thì mình phải có hành động đúng, để có được hành động đúng thì chúng ta phải có những thói quen tốt. Chỉ đọc, chỉ nghe qua những điều trong sách sẽ không giúp bạn đạt được ý muốn thành công. Mà bản thân mình phải nỗ lực thực hiện và hành động để những điều ghi trong sách, để những điều đó trở thành thói quen của bản thân.
Theo tác giả Stephen R.Covey, khi bạn muốn đạt được hiệu quả cao trong mọi việc thì bạn cần hình thành đươc các thói quen như sau:
Thói quen 1: Luôn chủ động.
Thói quen này sẽ giúp bạn phát huy được năng lực chọn lựa phản ứng của bản thân. Dù ở hoàn cảnh nào thì chúng ta đều có quyền tự do lựa chọn. Đó chính là tính chủ động. Hành động của chúng ta chính sự quyết định của bản thân và kết quả của sự chọn lựa đó mà thôi. Những người đang cảm nhận mình không có hạnh phúc trong những năm vừa qua, chắc khó mà tiếp nhận suy nghĩ: dẫn đến tình trạng thế này chính là do bản thân mình chọn lựa. Tuy nhiên nếu bản thân mình không chấp nhận suy nghĩ “những gì xảy đến với mình hôm nay, chính là kết quả của sự chọn lựa trong quá khứ”. Nếu thông suốt được việc này thì mình khó mà làm được việc “chọn lựa con đường khác”.
Thói quen 2: Bắt đầu bằng đích đến
Dựa trên nguyên lý: Tất cả mọi thứ đều được tạo ra bởi 2 bước; bước 1: Sự sáng tạo về mặt trí tuệ, bước 2: Sự sáng tạo về mặt thực tiễn. Giống như việc xây dựng ngôi nhà, bước 1 bạn sẽ tạo bản vẽ thiết kế nhà, bước 2 là bắt tay vào việc xây dựng cho giống theo bản thiết kế. Trong cuộc sống cũng vậy, bạn hãy vẽ trước hình tượng bạn muốn đạt đến, rồi sau đó nhắm đến mục tiêu đó để thực hiện. Nếu bạn không nỗ lực để mường tượng bạn là ai và bạn muốn gì trong cuộc sống có nghĩa là bạn đã mặc định trao quyền cho người khác và hoàn cảnh để điều khiển bạn và cuộc sống của bạn. Thói quen “Bắt đầu với mục tiêu xác định” nghĩa là bắt đầu mỗi ngày với mục tiêu cụ thể, rõ ràng về công việc, dự án. Và nó được hỗ trợ và củng cố bởi tính chủ động của bạn để làm mọi thứ xảy ra.
Thói quen 3: Ưu tiên điều quan trọng
Sau khi bạn đã quyết định được bạn muốn trở thành con người như thế nào như ở thói quen 2 thì việc phải làm thế nào để thực hiện được điều đó cũng rất quan trọng. Ở thói quen này bạn hãy phân chia công việc theo mức độ cao – thấp của “độ khẩn cấp” và “độ quan trọng”.
– Việc quan trọng và khẩn cấp;
– Viêc quan trọng nhưng không khẩn cấp;
– Việc khẩn cấp nhưng không quan trọng;
– Việc không khẩn cấp và không quan trọng.
Những việc nằm ở khung “Viêc quan trọng nhưng không khẩn cấp” thì đó chính là công việc quan trọng nhất. Thực hiện được những việc trong khung tham chiếu này bạn sẽ trưởng thành hơn nhiều
Thói quen 4: Tư duy Win-Win
Tư duy Win-Win (cùng thắng, có nghĩa là “Mình thắng – Đối phương cũng thắng”). Tư duy này sẽ khá lạ đối với nhiều người. Vì hầu như trong chúng ta đều mang tư duy Win-Lose, có nghĩa là “Mình thắng – Đối phương thua”. Nếu bạn luôn mang suy nghĩ “Mình thắng – Đối phương thua” thì bạn sẽ luôn phải căng thẳng với cảm giác cuộc đời là một cuộc cạnh tranh hay một trận chiến. Thái độ “Mình thắng – Đối phương thua” có nhiều mặt mà thông thường có thể biểu hiện như sau: Lợi dụng người khác, về tinh thần hay vật chất cho mục đích ích kỷ của riêng mình, hoặc là làm lợi cho mình mà thiệt hại cho người khác.
Ngoài tư duy “Mình thắng – Đối phương thua” ra còn có
– Mình thua – Đối phương thắng
– Mình thua – Đối phương thua
Đối với tư duy “Mình thua – Đối phương thắng” sẽ dễ biến mình thành kẻ nhu nhược. Mình dễ dàng đầu hàng, chấp nhận mọi điều kiện của đối phương. Và bạn cũng sẽ không thể hiện một cách rõ ràng những suy nghĩ bên trong của bạn. Tuy nhiên, khi gặp những việc nhỏ, bạn nên nhân nhượng để tăng thêm lòng tin của đối phương thì bạn nên để đối phương giành phần thắng. Đây là cách bạn gửi một khoản tình cảm vào tài khoản tình cảm của bạn với đối phương đấy! Nhưng hãy đảm bảo rằng bạn luôn có lập trường cho những chuyện lớn hơn.
Còn với tư duy “Mình thua – Đối phương thua”, sẽ nảy sinh khi cả hai người đều mang tư tưởng “Mình thắng – Đối phương thua”. Nếu mình và đối phương đều có cùng suy nghĩ “mình phải thắng bằng bất cứ giá nào”, thì sự ương bướng, kiên quyết của cả hai sẽ tác động lẫn nhau dẫn đến việc cả hai sẽ cùng đi tới thất bại.
Do đó, để có một mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững, tác giả khuyên chúng ta không nên đề cao vấn đề thắng thua trong công việc cũng như cuộc sống. Tư duy cùng thắng giúp chúng ta xây dựng các mối quan hệ hợp tác, các bên đều có lợi.
Thói quen 5: Lắng nghe và thấu hiểu
Đa số chúng ta lắng nghe không phải để thấu hiểu người khác, mà để đối đáp. Người ta thường thông qua mô thức của mình để gạn lọc những điều họ nghe và có thói quen “suy bụng ta ra bụng người” để phán xét cuộc sống của người khác.
Chúng ta “lắng nghe” người khác nói với một trong 4 thái độ sau:
+ Làm ngơ – thái độ này khó có thể gọi là lắng nghe
+ Giả vờ lắng nghe – chúng ta có thể buông những lời cảm thán như: “vâng”, “ à há”, “hay đấy!” xen vào câu chuyện của người khác nhưng thực ra là không hề chú tâm đến nó.
+ Lắng nghe có chọn lọc – tức chỉ nghe một phần của cuộc đối thoại
+ Chăm chú lắng nghe – tức tập trung toàn bộ vào những lời người khác đang nói.
+ Lắng nghe và thấu hiểu – mức độ lắng nghe cao nhất của sự lắng nghe. Thực hiện được thái độ này là bạn đang đi vào bên trong khung tham chiếu của người khác. Bạn nhìn sự việc thông qua họ, nhìn thế giới theo cách của họ, hiểu được cảm nghĩ của họ. Lắng nghe thấu hiểu không chỉ dừng lại ở sự ghi nhận, suy tư hay hiểu rõ những gì được nghe. Bạn lắng nghe để cảm nhận, để giải nghĩa, để hiểu được hành vi của người khác.
Ở thói quen thứ 5 này, tác giả khuyên bạn trước khi đưa ra ý kiến của mình, thì hãy cố gắng thấu hiểu người khác trước. Một khi đã thực sự hiểu nhau một cách sâu sắc, chúng ta sẽ mở ra cánh cửa đến với các giải pháp sáng tạo, những khác biệt giữa chúng ta sẽ không còn là rào cản của sự giao tiếp, thay vào đó sẽ trở thành bàn đạp để chúng ta đồng tâm hiệp lực với nhau.
Thói quen 6: Đồng tâm hiệp lực
Cũng giống với ý nghĩa câu tục ngữ việt nam:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Từ ngày xa xưa, ông bà tổ tiên cũng đã khẳng định chân lý của việc đồng tâm hiệp lực. Kết quả mà sự đồng tâm hiệp lực mang lại vượt xa rất nhiều so với tổng kết quả của những cá nhân đơn lẻ. Người thực sự thành đạt sẽ biết cách vận dụng nguyên tắc này trong cuộc sống cũng như trong công việc. Một nguyên tắc để có thể “đồng tâm hiệp lực” là “tôn trọng sự khác biệt và sống cởi mở với mọi người”. Mỗi người trong chúng ta đều có lăng kính cá nhân của riêng mình. Mỗi người trong chúng ta đều có những thế mạnh nào đó. Và bằng cách sử dụng những nguồn lực được chia sẻ, chúng ta có thể bù đắp được những điểm yếu cá nhân. Khi con người ta thực sự đồng tâm hiệp lực, họ sẽ biết lắng nghe lẫn nhau, biết đặt mình vào vị trí của người khác và biết tận dụng những đóng góp của người khác như một đòn bẩy để tạo nên điều vĩ đại.
Thói quen 7: Rèn giũa bản thân
Thói quen thứ bảy này khuyên bạn hãy dành thời gian để mài giũa bản thân. Nó nằm xung quanh các thói quen khác trong mô thức 7 thói quen, giúp cho các thói quen khác được vận dụng vào thực tế cuộc sống. Rèn giũa bản thân ở cả ba mặt – thể chất, tinh thần và trí tuệ – là sự rèn luyện thuộc về thành tích cá nhân hàng ngày. Điều đó sẽ cải thiện được rất nhiều chất lượng, tính hiệu quả của các hoạt động, kể cả giấc ngủ sâu và yên bình của bạn. Nó sẽ tạo ra một sức mạnh lâu dài về thể chất, tinh thần và trí tuệ giúp bạn vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Không chỉ rèn luyện về thể chất – tinh thần- trí tuệ, mà bạn cũng phải tự đổi mới quan hệ xã hội / tình cảm. Quá trình tự đổi mới phải bao gồm đổi mới cân bằng cả bốn mặt của con người chúng ta: thể chất, tinh thần, trí tuệ và quan hệ xã hội/ tình cảm. Mặt nào cũng quan trọng ngang nhau, nhưng sẽ có hiệu quả tối ưu khi chúng ta xử lý cả bốn mặt này một cách thông minh và cân đối; xem nhẹ mặt nào cũng đều có tác động tiêu cực đến các mặt còn lại.
Lời kết:
Chúng tôi – nhân viên đang làm việc tại MarketEnterprise Vietnam, nỗ lực áp dụng 7 thói quen đó vào công việc cũng như cuộc sống hàng ngày. Dù vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn tất cả những thói quen ấy, nhưng chúng tôi tin rằng sự nỗ lực của chúng tôi sẽ giúp chúng tôi trưởng thành mỗi ngày.